NHỮNG ĐIỀU PHỤ HUYNH NÊN BIẾT KHI NUÔI DẠY VÀ ĐỊNH HƯỚNG HỌC TẬP CHO CON

Loading...

NHỮNG ĐIỀU PHỤ HUYNH NÊN BIẾT KHI NUÔI DẠY VÀ ĐỊNH HƯỚNG HỌC TẬP CHO CON

NHỮNG ĐIỀU PHỤ HUYNH NÊN BIẾT KHI NUÔI DẠY VÀ ĐỊNH HƯỚNG HỌC TẬP CHO CON
1) Kỳ vọng chứ không phải là tạo áp lực
Chúng ta cần hiểu rằng, nhiều trẻ tiểu học có thành tích học tập chưa tốt không phải là do trí tuệ của các em mà là do trẻ chưa được khai mở thói quen học tập đúng đắn, chưa được trang bị phương pháp học tập hiệu quả cho mình. Cha mẹ hãy định hướng, xây dựng lộ trình học cho con một cách toàn diện theo từng độ tuổi. Mỗi độ tuổi con sẽ có một đích học tập cụ thể. Tuy nhiên, để xây dựng được định hướng, lộ trình toàn diện cho sự phát triển của con không phải là điều đơn giản và không phải bậc phụ huynh nào cũng làm được.
Chẳng hạn như trong việc học tập, trong giai đoạn đầu đời các bé hoàn toàn có thể chủ động để “vừa học, vừa chơi”, mà không phải nhất thiết phải “học là học” mà “chơi là chơi”. Với thực tế là trẻ em có thể học được rất nhiều khi chơi; phụ huynh và học sinh cần rất xem trọng các cơ hội để tạo không gian cho trẻ “chơi mà học” trong quá trình học tập. Khi những đứa trẻ cảm thấy thích thú và hứng khởi, điều đó sẽ tạo động lực cho việc học và đem lại kết quả rất tốt.
2). Dạy con biết lắng nghe và thấu hiểu
Trẻ em không phải lúc nào cũng biết lắng nghe người khác. Lắng nghe là một kỹ năng bình thường ở một số trẻ, nhưng đa phần bạn sẽ phải dạy điều này cho bé từ từ. Rất nhiều ông bố bà mẹ cảm thấy rất bực mình khi họ nói một vấn đề đến hàng chục lần nhưng con không bao giờ chú ý và để tâm.Một số trẻ cho rằng khi chúng không thèm nghe người lớn, chúng sẽ được chú ý hơn. Bạn nên dạy con điều này là sai bởi vì lắng nghe giúp cho con có được sự yêu quý và tôn trọng từ người khác, kể cả là bố mẹ hay người ngoài. Kỹ năng lắng nghe cũng giúp bè học tập hiệu quả hơn khi đến trường và tỉnh táo hơn trước những nguy hiểm thường gặp trong cuộc sống. Về lâu dài, kỹ năng này sẽ giúp bé có được sự yêu quý từ mọi người xung quanh, đặc biệt là bạn bè ở trường lớp.
3). Cách nuôi dạy và định hướng qua từng lứa tuổi.
a) Ở bậc tiểu học.
Ở cấp tiểu học là thời điểm thích hợp nhất để cho trẻ phát triển về ngôn ngữ và hình thành tư duy toán học, nên trong thời gian này các bậc cha mẹ nên chú trọng vào các môn học như Toán, Văn và Ngoại ngữ.
Ngoài ra ở giai đoạn này cũng là thời gian đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nề nếp và các thói quen tốt trong việc học tập của con trẻ nên các bậc phụ huynh cần:
- Tìm ra cách học tốt nhất với con
Để làm được điều này, cha mẹ hãy quan sát con khi bé học tập. Thử xem bé học tốt hơn khi được ngồi một mình trong phòng yên tĩnh hay khi ngồi học cùng anh/ chị/ em khác trong nhà.
Ngoài ra, mẹ nên dạy con cách nghiên cứu bài tập theo các bước, ví dụ như: Ghi chú những điều cơ bản khi bé đọc một chương sách, học theo bảng biểu và biểu đồ, tóm tắt những gì bé đã học theo cách riêng của bé.
- Sắp xếp thời gian biểu hợp lý và cố định cho bé
Bạn hãy kiếm một quyển lịch lớn, có nhiều khoảng trống để bé có thể ghi nhanh lại mọi việc cần làm trong ngày. Để tách ra từng tháng để bạn cũng như bé có thể thấy thời gian còn lại trong học kỳ này. Chẳng hạn, bạn có thể xé tháng 9, 10, 11, 12, và tháng 1 và dán chúng vào từ trái sang phải ngang một bức tường.
Bé có thể sử dụng một loại bút màu để đánh dấu ngày thi, một màu khác cho những sự kiện sắp đến… Điều này cũng giống như một công cụ nhắc nhớ để bé không phải rối tung lên mỗi khi đến thời điểm quan trọng.
- Khuyến khích bé tự học, tự đọc sách nhiều hơn
Với các bé lớn bạn hãy khuyến khích con ghi chú lại một vài điều cơ bản khi bé đang đọc một chương sách, hướng dẫn bé cách đọc lướt qua tài liệu, nghiên cứu các bảng biểu và bản đồ, tóm tắt những gì đã đọc bằng chính ngôn từ của bé.
Ngoài ra, cha mẹ dạy con dùng những mẩu giấy nhỏ để ghi lại những điều cần được xem lại nhanh như ngày tháng, công thức, từ hay nhầm lẫn…Với các bé nhỏ còn học tiểu học thì bạn có thể khuyến khích bé đọc nhiều hơn các loại sách khác nhau và luôn có mặt kề bên để giải thích giúp bé những từ, những nội dung bé chưa hiểu rõ.
- Phương pháp dạy con học hiệu quả – học nhiều không bằng học đều
Bạn cần sắp xếp việc nhà để có thời gian chăm chút đến việc học của con. Nếu bé được tan học sớm, bạn có thể động viên bé hoàn thành bài tập về nhà trước bữa cơm tối. Khoảng 15 phút làm bài một lần, bạn có thể cho bé nghỉ ngơi, kiểm tra và hỗ trợ quá trình làm bài cho con.
- Dạy bé kỹ năng đánh dấu thông tin quan trọng
Nhiều bé không biết tóm tắt ý chính của bài học, ý nào quan trọng hơn ý nào mà chỉ viết tất cả những gì thầy cô giáo đã dạy trên lớp. Vì thế, thông tin về bài học có thể lan man, không rõ ràng. Bạn có thể dạy con viết những ghi chú quan trọng. Cách này hơi mất thời gian nhưng bé sẽ học được kiến thức theo cách sắp xếp riêng của bé
- Theo dõi dấu hiệu tâm lý của bé khi làm bài tập
Bạn không nên ép bé học tiếp khi bé đang tức giận hoặc buồn bã vì bài tập quá dài, quá khó. Bạn có thể chia đều phần bài để bé hoàn thành thay vì để con mệt mỏi với bài quá dài.
- Chỉ nên hỗ trợ chứ không nên giúp bé làm bài tập về nhà
Phương pháp dạy con học hiệu quả chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ con làm bài tập về nhà một cách tốt và có hiệu quả nhất chứ không phải việc bố mẹ xắn tay áo vào và làm bài giúp con.
Bạn có thể kiểm tra kết quả bài tập toán sau khi bé đã hoàn thành hoặc đưa ra những lời gợi ý mở cho bé khi làm bài. Nên nhớ, bạn cần để bé tự làm bài, tự suy nghĩ và chỉ giúp đỡ khi bé thật sự cần đến bạn. Thỉnh thoảng, bạn nên quan tâm đến con bằng cách đặt câu hỏi: “Kết quả bài kiểm tra toán của con thế nào?”, “Con đã có kết quả bài chính tả chưa?”
- Động viên con kịp thời
Bé cần được cha mẹ khuyến khích khi có ý thức học tập tốt. Đồng thời, bé cũng cần biết sự không hài lòng của cha mẹ nếu xao nhãng học hành. Tuy nhiên, nếu phê bình con, bạn cần đính kèm theo chỉ dẫn trực tiếp; chẳng hạn, thay vì quát: “Con viết chữ xấu thế” có thể nói: “Cô giáo sẽ không hiểu con viết gì nếu con viết thế này đâu”.
- Liên lạc với thầy cô để cùng cô có phương pháp dạy con học hiệu quả
Không nên bỏ qua những thắc mắc và lo lắng của bạn về con. Đừng ngần ngại liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để biết chuyện gì đang diễn ra ở lớp, ở trường. Trao đổi những thắc mắc và lo lắng của bạn trước khi điều không hay thật sự xảy ra là một phương thức hiệu quả giúp con thành công.
- Làm gương cho con
Ghi nhớ rằng bạn phải tạo ra một tinh thần học tập đúng đắn. Khi bé biết bạn coi trọng việc học tập của chúng, bạn tôn trọng và biết ơn thầy cô của chúng, chúng sẽ nỗ lực hết mình.
Nếu bé thấy chính bạn tìm thấy niềm vui trong đọc sách, thấy bạn vận dụng được các kỹ năng và những gì học được vào thực tế, chúng sẽ nhận ra mối liên hệ giữa lý thuyết học được ở trường và cuộc sống hiện tại.
Các cha mẹ hãy nhớ rằng mỗi trẻ có một cách tiếp thu kiến thức hoàn toàn khác nhau vì thế phương pháp dạy con học hiệu quả của mỗi gia đình mỗi khác, không nên đánh đồng và so sánh trẻ. Điều đó sẽ chỉ khiến trẻ tự ti hơn mà không có tác dụng tích cực nào.

b) Ở bậc THCS.
- Đây là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành và định hướng học tập và nghề nghiệp cho con trẻ nên các bậc cha mẹ phải đặc biệt lưu ý
+ Ở lớp 6, lớp 7 là giai đoạn các con các con mới bắt đầu được làm quen với các môn học mới và phương pháp học tập mới nhưng quan trọng hàng đầu vẫn là các môn Toán, Văn, và Ngoại ngữ - bất kể các con sau này theo chuyên gì hay học gì thì 3 môn này các con vẫn phải học thật chắc.
+ Ở lớp 8 là thời gian các con bắt đầu có định hướng theo chuyên nên các bậc phụ huynh phải quan tâm về nguyện vọng và môn học mà con mình yêu thích, sau đó nhờ các thầy cô giáo dạy có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết cho kiểm tra và đánh giá năng lực của con về môn học đó – nếu con có năng lực về môn học đó thì nên tập trung định hướng cho con thi chuyên về môn đó, còn nếu con không có khả năng thì thôi không cố mà tập trung học các môn Toán, Văn và ngoại ngữ để thi cấp 3 thường.
Các con nếu muốn thi vào cấp 3 chuyên môn gì thì nên theo đội tuyển HSG của môn học đó bởi khi theo đội tuyển HSG các con sẽ được:
+ Thường xuyên va chạm với các kiến thức hay và khó về môn học đó mà khi học trên lớp các con không bao giờ được tiếp xúc.
+ Thường xuyên tiếp xúc và va chạm với các bạn học hay và giỏi về môn học đó sẽ giúp con biết bạn mình giỏi hơn mình ở chỗ nào, mình còn yếu ở chỗ nào để biết cách điều chỉnh
+ Thường xuyên được rèn luyện kỹ năng và tâm lý thi cử
+ Qua các bài kiểm tra định kỳ của đổi tuyển và thứ bậc xếp hạng cũng giống như các nấc thang để con tự khẳng định mình, tạo hưng phấn cho con tự cố gắng.
Khi các con vào lớp 9 là thời kỳ các đội tuyển các kỳ thi HSG cấp trường, quận huyện và thành phố diễn ra vì vậy ở đầu lớp 9 nên tập chung cao độ cho con ôn đội tuyển và môn chuyên, từ tháng 2 trở đi bắt đầu giảm tải cho con về môn chuyên và chú trọng hơn vào các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.
Con có giỏi đến đâu thì
các bậc cha mẹ cũng chỉ nên cho con theo đội tuyển và thi 1 môn chuyên, không cho ôn và thi nhiều môn vì sẽ gây áp lực cho con sẽ không hiệu quả.
c) Bậc THPT
Là giai đoạn định hướng và hướng nghiệp cho con. Ở giai đoạn này có nhiều bạn xác định đi du học ngay khi ở cấp 3, 1 số bạn sẽ học và thi đại học trong nước, việc đi hay ở hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của con và tiềm năng của mỗi gia đình. Tuy nhiên khi định hướng chọn nghề cho con các bậc phụ huynh phải lắng nghe về nguyện vọng của con và kết hợp với nhu cầu của xã hội, chúng ta nên chon nghề mà xã hội cần có vậy sau khi con ra trường sẽ có 1 tương lai rộng mở hơn.
Bất kể con học ở cấp nào các bậc phụ huynh cũng nên chú ý:
- Cùng 1 bộ môn không nên cho học nhiều thầy cô giáo bởi nguồn kiến thức nền cơ bản của các thầy cô giáo là như nhau, chỉ khác nhau về phương pháp truyền đạt, khi các con học nhiều thầy cô thì số thời gian các con phải đi học là quá nhiều, cùng 1 lượng kiến thức phải làm quá nhiều bài tập tương tự nhau dẫn đến các con không có đủ thời gian để tự học, tự làm bài tập và ngấm kiến thức, sức khoẻ cúng không đảm bảo dẫn đến hiệu quả không cao. Ta chỉ cần tìm cho con 1 địa chỉ thầy cô giáo giỏi, kinh nghiệm và tâm huyết cho con với từng môn học.
- Hoàn toàn khách quan để con tự học và cố gắng vươn lên, cho dù trong hoàn cảnh nào cũng nên để cho con tự đi bằng chính đôi chân của mình có vậy con mới biết khả năng thực sự của con và biết chân trọng những gì mà con đạt được và khi dời xa bố mẹ con mới vững tin tự lập trong cuộc sống.
Kính chúc các anh chị luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và có những người con chăm ngoan, học giỏi và đỗ đạt.
 
Thầy Nguyễn Bá Thịnh - Trung tâm Luyenthi CLC
Địa chỉ: Số 4, hẻm 44/64/10 đường Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
 
 
Điện thoại: 0969330758

Liên hệ

Trung Tâm Luyenthi CLC

Nơi ươm mầm tài năng và thắp sáng ước mơ

Địa chỉ :số 4 hẻm 44/64/10 Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hotline : 0969 330 758 - Email : [email protected]

Facebook

Bản đồ